Thanh toán không chạm là hình thức giao dịch thông minh đang được nhiều cửa hàng, doanh nghiệp triển khai. Hiện nay, có 3 hình thức thanh toán không chạm phổ biến là thanh toán mã QR, thanh toán NFC và thanh toán qua sim điện thoại. Tùy theo mô hình kinh doanh, chủ cửa hàng nên lựa chọn hình thức thanh toán không chạm phù hợp để đón đầu xu hướng, mang tới trải nghiệm thanh toán tiện ích cho khách hàng.
1. Thanh toán không chạm với mã QR
Thanh toán bằng quét mã QR là hình thức thanh toán không chạm phổ biến nhất hiện nay với nguyên lý hoạt động đơn giản. Đơn vị kinh doanh chỉ cần trưng bày mã QR thanh toán tại cửa hàng và người mua sẽ dùng ứng dụng có chức năng quét mã QR để thực hiện việc thanh toán.
Hiện nay, ở Việt Nam đang có 3 tổ chức hỗ trợ người dùng khởi tạo mã QR phục vụ thanh toán bao gồm:
- Ngân hàng: Các ngân hàng hiện nay đều hỗ trợ khách hàng tạo mã QR thanh toán cho tài khoản cá nhân và tài khoản doanh nghiệp thông qua Mobile Banking. Mã QR được tạo bởi ngân hàng chứa thông tin cơ bản của tài khoản nhận tiền bao gồm tên ngân hàng, số tài khoản, tên người nhận.
- Ví điện tử: Mã QR tạo từ ví điện tử chứa thông tin tài khoản ví điện tử, bao gồm tên chủ tài khoản và số điện thoại. Để chuyển tiền qua mã QR ví điện tử, người mua bắt buộc phải sử dụng đúng ví điện tử tương ứng.
- VietQR.net: VietQR.net là nền tảng tạo mã QR ngân hàng chính thống thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS). Mã QR được tạo từ VietQR.net chứa thông tin tương tự mã QR được tạo từ Mobile Banking.
Để triển khai thanh toán không chạm với mã QR, đơn vị kinh doanh chỉ cần khởi tạo và in mã QR, sau đó trưng bày tại khu vực thu ngân.
Với cách vận hành đơn giản, thanh toán mã QR đã và đang phủ rộng khắp các cửa tiệm kinh doanh lớn nhỏ trên cả nước. Để nắm bắt xu hướng này, một số ngân hàng lớn còn cung cấp Giải pháp thanh toán qua mã QR cho khách hàng hộ kinh doanh và Doanh nghiệp Bán lẻ với nhiều ưu đãi hấp dẫn như hỗ trợ tạo tài khoản số đẹp, cung cấp bộ ấn phẩm QR để bàn với thiết kế độc nhất…
Thanh toán không chạm với mã QR là hình thức giao dịch trực tuyến phổ biến hàng đầu hiện nay
2. Thanh toán không chạm NFC (Thanh toán tiếp xúc gần)
Thanh toán không chạm NFC là hình thức giao dịch thông qua các ứng dụng thanh toán được cài đặt sẵn trong điện thoại hoặc thẻ ngân hàng có tích hợp chức năng NFC. Vì vậy, thanh toán NFC sẽ chấp nhận cả hai hình thức là sử dụng thẻ hoặc các ứng dụng mặc định của điện thoại như Apple Pay, Google Pay, SamSung Pay.
Ưu điểm lớn nhất của thanh toán không chạm NFC là không yêu cầu 4G hoặc Wifi để tiến hành giao dịch. Khách hàng chỉ cần đặt thẻ hoặc điện thoại lại vào thiết bị hỗ trợ là đã có thể hoàn tất việc thanh toán. Tuy nhiên, hình thức thanh toán này buộc đơn vị kinh doanh phải đầu tư những trang thiết bị đặc biệt với giá thành khá cao (trên 1 triệu đồng).
Thanh toán không chạm NFC không yêu cầu 4G/Wifi để có thể tiến hành giao dịch
3. Thanh toán không chạm với SIM điện thoại
Thanh toán không chạm với SIM điện thoại còn khá mới mẻ và chưa được phủ sóng rộng rãi tại Việt Nam. Hình thức thanh toán này cho phép người mua thanh toán thông qua số điện thoại cá nhân mà không cần liên kết trực tiếp với ngân hàng. Mọi thông tin liên quan tới giao dịch, biến động số dư của người dùng đều sẽ được gửi thông báo về qua tin nhắn.
Ưu điểm của hình thức thanh toán này giao dịch diễn ra nhanh gọn, hiệu quả chỉ với số điện thoại đăng ký dịch vụ. Tuy nhiên, điểm trừ của thanh toán không chạm với SIM điện thoại là bị giới hạn giao dịch dưới 10.000.000 VNĐ/tháng, không phù hợp với những ai có nhu cầu mua sắm thường xuyên.
Thanh toán không chạm với SIM điện thoại cho phép khách hàng thực hiện giao dịch thông qua số điện thoại cá nhân
Phương thức thanh toán không chạm đang ngày càng phổ biến và được tin dùng bởi khách hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp, cửa hàng nên ưu tiên nghiên cứu, áp dụng phương thức thanh toán tiện lợi này để đón đầu xu hướng chuyển đổi số, tối ưu giao dịch đối với khách hàng.